Pages

Chân vịt – giày trượt của dân bơi (Phần 1)

Phần 1: Lợi ích của chân vịt

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Chân vịt – một “đồ chơi” dành để tập luyện của dân bơi – là một dụng cụ nhìn bề ngoài khá đơn giản, nhưng để hiểu sâu về nó, đặc biệt là về cách sử dụng, lại không phải là chuyện giản đơn. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc những điểm quan trọng của chân vịt để các bạn có thể chọn lựa cho mình một cặp chân vịt ưng ý và phù hợp với mục đích tập luyện của mình, tránh “tiền mất tật mang” cho một loại “đồ chơi” tương đối đắt tiền so với mũ bơi!


Đầu tiên, các bạn cần phân biệt chân vịt dùng cho bơi (swim fins) và chân vịt dùng cho lặn (dive fins hay SCUBA fins). Có nhiều điểm khác biệt giữa hai loại nhưng yếu tố xác định là chân vịt lặn có mũi dài hơn và được thiết kế cho một động tác chân chậm, rộng, được sử dụng để khắc phục lực cản của thiết bị lặn (các thợ lặn thường không dùng tay để bơi), còn chân vịt bơi có mũi ngắn hơn nhiều nhằm giúp xây dựng cơ bắp cho VĐV bơi bằng cách tăng thêm sức cản cho động tác chân cũng như nhiều lợi ích khác nữa sẽ được thảo luận dưới đây.



Kế tiếp, các bạn cần hiểu rõ những lợi ích do chân vịt mang lại. Nói chung, hầu hết mọi người đều cảm nhận được rằng mang chân vịt vào sẽ bơi nhanh hơn, nhưng tập luyện với chân vịt mang lại nhiều lợi ích hơn thế, chứ không chỉ đơn giản là giúp bạn bơi nhanh. Và tôi xin tiết lộ 1 bí mật: Lợi ích lớn nhất của chân vịt là chân vịt có thể giúp chúng ta bơi tốt hơn khi không đeo chân vịt! Điều này có nghĩa là: chân vịt chỉ là một công cụ hỗ trợ chúng ta tập luyện, không phải là thứ mà chúng ta lạm dụng quá mức hoặc quá phụ thuộc vào. Nó cũng giống như một bài thuốc, sử dụng đúng, đủ liều lượng thì tốt; sử dụng sai, không đúng liều lượng thì … nguy!

Chân vịt có thể giúp chúng ta:

   - Cải thiện độ linh hoạt khớp cổ chân.

Tầm quan trọng của độ linh hoạt khớp cổ chân đối với VĐV bơi lội là không bàn cãi và là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có một động tác đập chân hiệu quả. Nhiều VĐV 3 môn phối hợp và người mới tập bơi có động tác đập chân kém là vì họ không có độ linh hoạt khớp cổ chân. 


Kỹ thuật đập chân tốt liên quan đến việc mở rộng tối đa khớp cổ chân của bạn để ngón chân của bạn thẳng hàng với ống chân (từ đầu gối đến ngón chân là một đường thẳng). Điều này làm tăng tiết diện bàn chân tác động vào nước và tăng lực đẩy. Nếu bạn không có độ linh hoạt khớp cổ chân, bạn chỉ có thể đá nước xuống dưới, chứ không thể đá nước về sau. 

Chân vịt sẽ đặt bàn chân của bạn vào tư thế mà khớp cổ chân của bạn buộc phải duỗi thẳng, điều này sẽ giúp cải thiện độ linh hoạt tổng thể ở bàn chân của bạn.

   - Cải thiện kỹ thuật đập chân (giúp động tác đá lên tốt hơn)

Một lỗi sai khá phổ biến của đa số người bơi giải trí là thực hiện không đúng động tác đá lên (trong bơi sải và bơi bướm) hoặc động tác đá xuống (trong bơi ngửa). Các động tác này khá lạ đối với chuyển động chân tự nhiên của con người và khiến mọi người cảm thấy lúng túng khi thực hiện. Động tác đá lên đúng phải là động tác xuất phát từ hông để nâng chân gần như thẳng lên mặt nước, chứ không phải là động tác gập đầu gối để đá bàn chân lên. Xin nhắc lại: động tác đập chân đúng không phải là động tác gập duỗi đầu gối để “gõ” bàn chân lên xuống, mà là “đập xuống bằng mặt trước đầu gối và đập lên bằng mặt sau đầu gối”. Đó chính là tuyệt chiêu của động tác chân!


Khi mang chân vịt, diện tích bề mặt được thêm vào của chân vịt giúp bạn giải quyết kỹ thuật đá lên này một cách thoải mái vì bạn không thể gập đầu gối để đá chân vịt lên. Nói cách khác, chân vịt sẽ dạy người bơi đập chân từ hông chứ không phải từ đầu gối và giúp KÉO DÀI động tác chân của bạn. 

Nếu bạn thực sự muốn cải thiện động tác đá lên của mình, hãy thử thêm bài tập đập chân trong tư thế thẳng đứng, đặc biệt là với động tác chân bướm.

   - Cải thiện tư thế cơ thể - cải thiện kỹ thuật bơi

Nhiều người bơi có động tác chân không thật sự mạnh nên cơ thể bị võng xuống, tạo nhiều lực cản khi bơi và ảnh hưởng nhiều đến kỹ thuật thực hiện của các bộ phận khác. 

Nhiều chân vịt nổi được trên mặt nước. Điều đó có nghĩa là khi bạn bơi cùng chúng, chân vịt sẽ giữ cho chân bạn cao hơn trong nước, khuyến khích một tư thế cơ thể tổng thể cao hơn. Khi cơ thể bạn nổi cao trong nước và bạn đạt được một tốc độ nhất định thông qua sự bổ trợ lực của chân vịt, tần số quạt tay của bạn có thể giảm, và điều đó cho phép bạn có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các yếu tố kỹ thuật như động tác vung trên không hoặc động tác quạt dưới nước của tay chẳng hạn. Bản thân tôi thường sử dụng chân vịt mỗi khi bơi ngửa vì độ nổi ngửa của tôi không tốt lắm, khi mang chân vịt vào, tôi có thể bơi ngửa nhẹ nhàng và chuẩn xác hơn. 


Chân vịt cũng cho phép bạn tập những kỹ năng cao cấp mà bạn không thể tập được khi không có chân vịt. Ví dụ các bài tập bơi sải hay bơi ngửa một tay sẽ rất khó nếu không có chân vịt; các bài tập bơi ếch chân sải, ếch chân bướm hoặc uốn sóng bướm nằm ngửa cũng cần mang thêm chân vịt để đạt hiệu quả cao hơn. 

   - Tăng sức mạnh tổng thể và sức bền ở chân của bạn

Chân vịt là công cụ tạo lực cản. Đôi chân của bạn bao gồm các cơ bắp lớn nhất trong cơ thể bạn, cộng thêm chân vịt vào có nghĩa là chúng phải hoạt động nặng hơn, từ đó tăng sức mạnh và thể lực tổng thể cho bạn


Ban đầu có thể không rõ ràng, nhưng khi bạn sử dụng chân vịt để bơi nhanh hơn, chân bạn thực sự làm việc căng hơn bình thường (không có chân vịt) để duy trì tốc độ đó. Theo thời gian, cơ chân của bạn trở nên mạnh mẽ hơn, cuối cùng sẽ cho phép bạn bơi nhanh hơn và lâu hơn khi bạn không sử dụng chân vịt. 

   - Tăng cường sức khỏe tim mạch

Chân vịt không chỉ được sử dụng để cải thiện kỹ thuật, mà chúng còn có thể giúp cải thiện năng lực tim mạch và thể lực.

Để có được một bài tập tim mạch thích hợp, bạn cần sử dụng phần lớn tổng khối cơ của bạn trong một khoảng thời gian tập luyện từ 20 – 30 phút. Hơn 60% tổng khối cơ của cơ thể bạn nằm ở chân, vì vậy bất kỳ bài tập tim mạch thích hợp nào cũng phải sử dụng nhiều hoạt động chân. Khi chạy bộ, điều này là dễ dàng. Tuy nhiên, khi bạn bơi, cánh tay của bạn được sử dụng rất nhiều để đẩy cơ thể về trước và chân thường bị bỏ quên. Chân của con người không được thiết kế để bơi lội. Chúng có diện tích bề mặt rất nhỏ và không tốt để tạo lực đẩy khi bơi.


Vậy làm thế nào chúng ta có thể làm cho đôi chân của chúng ta làm việc nhiều hơn mà vẫn có đủ năng lượng cho một bài tập 20 – 30 phút để có tác động tốt đến tim mạch? Nhờ chân vịt bơi! 

Mang chân vịt làm tăng sức cản của động tác chân của bạn bằng cách thêm diện tích bề mặt vào bàn chân bạn. Càng nhiều sức cản, tập luyện càng nặng. Và đôi chân của bạn càng hoạt động mạnh thì tim bạn càng hoạt động mạnh. Và chính nhịp tim tăng cao này, giống như tập luyện bất kỳ cơ bắp nào khác, làm cho trái tim của bạn mạnh mẽ hơn.

Phần 2: Cách lựa chọn và bảo quản chân vịt


Chung Tấn Phong