Pages

Thở trong khi bơi – tuy quen mà lạ


Ai sống mà chẳng thở. Thở là một hành động tự nhiên và vô thức khi mọi người hoạt động trên cạn. Thở trở nên quá quen thuộc đến mức chúng ta chẳng thèm để ý đến nó. Nhưng thở dưới nước lại là chuyện khác. Cũng hít vào, thở ra đó nhưng hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, thở là một kỹ năng riêng cần phải học trong bơi lội và đó cũng chính là điểm khác biệt lớn của bơi lội so với các môn thể thao trên cạn khác. 

Thở đúng có ý nghĩa vô cùng lớn khi bơi. Nó ảnh hưởng đến kỹ thuật bơi, độ nổi thân người, độ cân bằng của cơ thể trong nước, lực đẩy của cơ bắp, tính thủy động học của cơ thể và lực cản của nước. Do đó, không ngoa khi nói rằng THỞ ĐÚNG đúng là kỹ năng không thể xem thường! Nếu “lơ là” với chuyện thở trong bơi là lãnh đủ hậu quả. Nhiều người nổi tốt, lướt tốt, đập chân riêng tốt, nín thở đập chân và quạt tay cũng tốt nhưng hễ quay đầu để thở là như “gà mắc tóc”, để rồi cuối cùng, những điểm tốt riêng biệt đều trở thành vô nghĩa. 


Người bơi hoạt động ngay trên bề mặt nước với nửa trên là không khí, nửa dưới là nước; không hoàn toàn chìm hẳn dưới nước như loài cá, cũng chẳng hoàn toàn trên cạn như con người bình thường. Vì vậy, cách thở của người bơi khác với cách thở của loài cá (thở bằng mang), và cũng khác với cách thở của người hoạt động trên cạn. Trên cạn, mọi người hít vào và thở ra đều trong môi trường không khí, còn người bơi thì hít vào trong môi trường không khí nhưng thở ra lại trong môi trường nước. Về cơ bản, cách thở của người bơi có 2 điểm khác biệt sau:

1. Phải tập trung vào pha thở ra, chứ không phải pha hít vào. 

Sai lầm của người mới học bơi là thường hay nín thở ở dưới nước và mọi sự tập trung của họ là “chờ đợi” đưa mặt ra khỏi nước để lấy hơi. Họ tập trung vào việc hít vào trong không khí hơn việc thở ra trong nước. Khi họ quay đầu sang bên để thở, miệng họ vẫn ngậm chặt, sau đó “phì một hơi” qua miệng rồi mới hít vào. Giáo viên có thể thấy một chút nước phun ra gần miệng khi người bơi mắc lỗi này. Lỗi này làm cho người bơi cảm thấy căng thẳng, hơi thở nông, mau mệt và động tác bơi bị lỗi nhịp. 


Cách thở đúng là tập trung thở ra bằng mũi khi mặt ở trong nước. Nếu thở hơi ra hết trong nước thì khi quay đầu sang thở, phổi của bạn hầu như rỗng và chỉ cần bạn mở miệng ra là không khí tự động “ùa vào” phổi. 

Cũng chính vì tập trung vào pha thở ra nên thời gian thở ra trong bơi kéo dài hơn thời gian hít vào. Trên cạn, hầu hết mọi người đều quen với việc hít thở theo tỷ lệ 1:1, với việc hít vào và thở ra có chiều dài xấp xỉ bằng nhau. Ở trong nước, hít thở thường theo tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1 với thời gian thở ra dài gấp đôi hoặc gấp ba thời gian hít vào. Tỷ lệ này cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào kiểu bơi. 

2. Thở phải phối hợp tốt với các chuyển động khác

Động tác thở trên cạn không chịu sự chi phối nhiều bởi các chuyển động của tay, chân, đầu, cổ. Bạn không cần suy nghĩ là đi bước này sẽ hít vào, đi bước kia sẽ thở ra; hoặc vung tay này sẽ hít vào, vung tay nọ sẽ thở ra. Động tác thở ở dưới nước thì khác: bạn phải phối hợp các chuyển động với thở. Cho dù bơi ếch hoặc bơi sải, bơi bướm hoặc bơi ngửa, thở ra và hít vào phải đồng bộ với các cử động của tay và chân, dẫn đến có những cách thở khác nhau cho từng kiểu bơi. 


Bơi bướm: vấn đề thực sự nằm ở việc lấy hơi đúng lúc. Người bơi lấy hơi vào cuối giai đoạn kéo-đẩy của tay kết hợp với việc đưa cằm về trước khi thở như “gân cổ cãi với ai” nhằm tạo động tác bay ngang mặt nước. Bơi bướm mà bay cao như con bướm là hỏng! Việc lấy hơi phải nhanh để đầu ngay lập tức trở vào nước nhằm giữ cho động tác cân bằng nhất có thể. Trong bơi bướm, thở thường được thực hiện kiểu "một nín một thở" để cơ thể có tính “thủy động học” hơn. 


Bơi ngửa: là kiểu bơi đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chân để giữ cơ thể nổi và nằm ngang. Đó là lý do tại sao việc thở đúng rất quan trọng để cung cấp đủ oxy cho các chi dưới. Khi bơi ngửa, mặt của bạn hướng lên trời và bạn dễ lấy hơi hơn. Khó khăn ở đây liên quan đến vấn đề về nhịp hô hấp hơn là sự sẵn có của không khí. Theo tần số chuyển động, chu kỳ thở sẽ nhanh hơn hoặc chậm hơn. Bạn sẽ hít vào và thở ra kết hợp với thời điểm vung tay lên mặt nước. Hít vào ở tay này và thở ra ở tay kia. 


Bơi ếch: Ưu điểm của bơi ếch là bạn hít vào với mọi chuyển động nhô lên khỏi mặt nước của vai, cho phép không khí hít vào thoải mái hơn. Hít vào qua miệng trong giai đoạn quạt vào của cánh tay. Giống như bơi bướm, thở trong bơi ếch là động tác thở với đầu nhìn về trước. Thở ra phải dài và liên tục trong suốt giai đoạn mặt chìm dưới nước.


Bơi sải: Kỹ thuật thở trong bơi sải chắc chắn là khó nhất để làm chủ. Động tác quay đầu sang bên để thở dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng và kỹ thuật động tác. Thở đúng trong bơi sải là không cần phải đưa toàn bộ mặt ra khỏi nước, mà chỉ cần đưa miệng lên khỏi mặt nước để có thể hít vào "trong vùng lõm" của nước được tạo ra ngay khóe miệng. Thở ra, luôn luôn liên tục, khi đầu quay trở lại trong nước. Người bơi có thể thở bên trái, bên phải hoặc cả hai bên. Một số người thích bơi sải 2 tay thở một lần (thở một bên) để đỡ mệt. Một số khác lại thích bơi sải 3 tay thở một lần (thở hai bên) để giữ sự cân bằng tốt hơn trong khi bơi. Còn ở VĐV bơi chuyên nghiệp, họ có thể bơi 10 tay thở một lần hoặc hơn thế nữa khi cần thiết phải tăng tốc. 

Tóm lại:
  • Thở trong khi bơi là một kỹ thuật không dễ “xơi”, phải rèn luyện nhiều mới tạo được sự kết nối tốt với các chuyển động khác.
  • Cùng với thời gian trao dồi, động tác thở dưới nước cũng sẽ diễn ra hết sức tự nhiên như cách thở trên cạn của bạn vậy. 
  • Trong bơi lội, thở là mắt xích quan trọng trong động tác phối hợp hoàn chỉnh. 
  • Khi bạn bơi không tốt, đôi khi bạn phải cải thiện cả kỹ thuật bơi lẫn kỹ thuật thở vì cách bạn thở có thể tạo nên sự khác biệt trong kỹ thuật bơi.

Vì vậy:
     Thở trong khi bơi – tuy thấy quen nhưng lại khá lạ!
     Thở trong khi bơi – dù khá lạ nhưng tập dần sẽ thấy quen!

Chung Tấn Phong