Pages

Thư gửi con (số 4) – “Không liều mạng”


Trong thư trước, ba mẹ đã nói chuyện với con về việc “dừng lại và suy nghĩ”. Ba mẹ rất vui vì con đã có những cân nhắc kỹ lưỡng về việc “nên hay không nên” xuống nước mỗi khi con gặp một vùng nước bất kỳ. Trong thư này, ba mẹ muốn con hiểu thêm một nguyên tắc an toàn nước nữa là “không liều mạng” lao mình xuống nước khi chứng kiến bạn bè, người thân đang gặp rắc rối ở dưới nước. 

Con phải hiểu rằng việc thấy bạn bè, người thân đang chới với ở dưới nước mà đứng yên, không làm gì cả là điều không phải, nhưng bất chấp tất cả để lao mình xuống nước giải cứu lại là điều không nên. 

Ba mẹ hiểu cái cảm giác hoảng loạn và run sợ của con khi phải chứng kiến cảnh người thân hay bạn bè đang vẫy vùng dưới dòng nước chảy xiết. Ba mẹ hiểu sự khó khăn đến nhường nào khi con đứng trước sự lựa chọn giữa việc “nhảy xuống cứu hay không nhảy xuống cứu”. Hàng loạt những vấn đề sinh tử, đạo đức mà ngay cả xã hội cũng chưa có lời đáp rõ ràng: Nên hay không nên xả thân cứu người bất chấp tính mạng của bản thân? Không ra tay cứu người có phải là hèn nhát, vô cảm? Nhảy xuống cứu người, dù mình bơi chưa thạo, là hành động dũng cảm hay liều lĩnh? …Thật khó cho con suy xét thấu đáo trong thời khắc nghiệt ngã!


Con nên biết cứu người là việc phải làm. Trong sách báo, phim ảnh và cả trong đời thường, có những tình huống mà nhiều người đã chấp nhận hy sinh tính mạng của mình để cứu giúp người khác. Họ hy sinh để người khác được sống. 

Tuy nhiên, trong tình huống đuối nước, sự hy sinh của con chưa chắc đã đổi được mạng sống của người khác. Và gần như trong đa số trường hợp, việc nhảy xuống nước cứu người thiếu cân nhắc đều dẫn đến sự đuối nước nhiều người! Đó chính là sự tự sát vô ý!


Tự sát và đuối nước do nhảy xuống cứu người có những điểm giống và khác. Tự sát là một hành động cố ý giết hại bản thân, cố ý cướp đi sinh mạng của chính mình, còn đuối nước do nhảy xuống cứu người là hành động vô ý tự cướp đi sinh mạng của chính mình. Tự sát là trốn chạy cuộc sống, còn đuối nước do vô ý là bổ nhào vào chổ chết. Nhưng hậu quả của chúng thì giống nhau: sự mất mát luôn để lại nỗi đau đớn khôn cùng cho những người thân ở lại. Và con nên biết, cuộc sống của con là điều thiêng liêng nhất, quý giá nhất đối với ba mẹ. Không gì có thể thay thế được mạng sống của con đối với ba mẹ. Không có ba mẹ nào khuyến khích con mình cứu người khi biết việc đó nguy hiểm đến tính mạng của con. 

Con cũng có thể hỏi, vậy hành động nhảy ngay xuống nước bất chấp tính mạng để giải cứu nạn nhân có phải là hành động dũng cảm hay không? Không! Sự đánh đổi mạng người ở đây không phải là hành động dũng cảm mà là hành động khinh suất, thiếu kiến thức.


Con cần hiểu, ranh giới giữa sự dũng cảm và sự liều lĩnh thật sự rất mong manh. Liều lĩnh là bất chấp tất cả mà không nghĩ đến hậu quả, còn dũng cảm không phải là liều mạng, là bất chấp. Kết quả của hành động liều lĩnh thường là sự “vô ích”, còn kết quả của hành động dũng cảm thường là sự “hữu ích”. Người ta nói, lòng tốt kết hợp với hiểu biết mới tạo thành sức mạnh, con ạ!

Điều con cần lưu ý là trước nay người ta chỉ đánh giá hành động của người nhảy xuống nước cứu người là nên hay không nên, nhưng không ai đánh giá hành động nhảy xuống nước cứu người có đúng về mặt nguyên tắc và phương pháp cứu đuối hay không. 

Về nguyên tắc cứu đuối, con cần nắm vững 3 nguyên tắc sau:
  • Không nên thực hiện điều gì khi mình chưa đủ kỹ năng và kiến thức để làm điều đó, đặc biệt khi điều đó liên quan đến tính mạng mình. Con chưa được đào tạo về công tác cứu hộ thì con không thể giải cứu người khác.
  • Luôn luôn giữ an toàn cho bản thân là nguyên tắc cơ bản cần phải tuân theo nếu muốn tránh đuối nước nhiều người. 
  • Điều bắt buộc là việc nhảy xuống bơi và giải cứu tiếp xúc chỉ dành cho người bơi thành thạo.

Về phương pháp, con nên biết rằng không phải nhảy xuống nước là phương pháp cứu nạn duy nhất và tối ưu nhất. Thường khi gặp người bị đuối nước ở vùng nước tự nhiên, trình tự các bước con cần thực hiện là:
  • Gọi người khác đến ứng cứu
  • Cứu hộ trên cạn: nếu không có người lớn đứng gần đó thì tìm ngay một vật nổi nào đó để ném hoặc vươn tới người bị nạn. Vật nổi có thể là một cái phao, một sợi dây thừng, một thùng nhựa, một quả bóng, một cành cây, hoặc quần áo bện lại đều được. Nếu muốn vươn đến người bị nạn thì con phải nằm nghiêng sát đất, vươn tới người đó với bất kỳ vật dài nào. Điều quan trọng là nằm xuống để người được giải cứu không thể kéo con trôi xuống nước.
  • Cứu hộ dưới nước (chỉ sử dụng khi đã học lớp cứu hộ): nếu buộc phải xuống nước thì phải đảm nguyên tắc an toàn cho bản thân lên hàng đầu. Con phải bơi đến nạn nhân với vật nổi và tiếp cận nạn nhân qua vật nổi. 

Tại sao một số người bị chết đuối khi họ đi giải cứu một người khác đang gặp rắc rối ở dưới nước? Vì họ không dành thời gian để tìm kiếm vật nổi – họ đi thẳng từ phát hiện đến giải cứu và quên tự bảo vệ bản thân. Họ cũng đến quá gần nạn nhân và không có dụng cụ nổi để chuyền cho nạn nhân. Con hãy nhớ lấy điều đó. 

Vậy, hãy biết “lượng sức mình” và “không nên liều mạng” nghe con. 

Khi gặp người khác đang gặp rắc rối ở dưới nước, con vẫn phải ra tay giải cứu nhưng phải có kỹ năng, kiến thức để không hủy hoại chính mình. Giải cứu dưới nước phải thông minh con à. 


Vài dòng nhắn nhủ con để con không dằn vặt về chuyện đúng – sai, về việc nên hay không nên khi con rơi vào tình huống gặp người đang bị đuối nước. 

Hẹn con thư sau.


Chung Tấn Phong