Pages

Đường cong


Phụ nữ được xem là món quà tuyệt vời nhất từ vũ trụ, là điều kỳ diệu của tạo hóa, là một nửa yêu thương của thế giới. Họ làm cho cuộc sống này ấm áp và quyến rũ hơn bằng sự tinh tế và sắc đẹp của mình. 

Để được ca ngợi và tôn vinh như vậy, phụ nữ ai cũng muốn làm đẹp và ai cũng muốn mình đẹp trước mắt mọi người. Đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ tới rằng chính đặc điểm “muốn mình đẹp trước mắt mọi người” đôi khi là một rào cản tâm lý ngăn phụ nữ đến với thể thao nói chung và bơi lội nói riêng! Họ sợ cơ thể chưa hoàn hảo của họ “phơi bày” trước mọi người khi mặc trang phục thể thao hoặc trang phục bơi. Thực tế này đã được Sport England (Thể thao Anh Quốc) nghiên cứu và công bố vào năm 2015.


Sport England bắt đầu đo số lượng người chơi thể thao thường xuyên vào năm 2006 và tiến hành lấy số liệu liên tục cho đến nay. Trong giai đoạn đó, họ đã thấy số lượng người chơi thể thao thường xuyên có hai lần tăng vọt - lần một vào năm Olympic 2008 và lần thứ hai vào năm Olympic 2012 ở Luân Đôn. 

Tuy nhiên, số liệu công bố năm 2015 của Sport England cũng cho thấy một số dữ kiện đáng chú ý khác, đó là: 
  • Đàn ông tập thể thao và hoạt động thể chất nhiều hơn phụ nữ ở hầu hết mọi lứa tuổi 
  • Số phụ nữ tập thể dục thường xuyên ít hơn nam giới là 1,75 triệu người, nhưng khi được hỏi, 75% số phụ nữ cho biết họ muốn tham gia tập thể thao và hoạt động thể chất nhiều hơn
  • Có 63% phụ nữ cho biết việc nhìn thấy những thân hình thon thả, săn chắc trên phương tiện truyền thông có tác động tiêu cực đến họ (vì họ cảm thấy xấu hổ khi cơ thể của mình không được đẹp như vậy). 

Sport England phát hiện ra rằng phụ nữ nhận biết được lợi ích của việc tập thể thao nhưng có một rào cản nào đó đã ngăn chặn họ. Rào cản đó là sự pha trộn của áp lực thực tế và cảm xúc: sợ bị phán xét, thiếu tự tin và không có đủ thời gian; trong đó nỗi sợ bị phán xét là rào cản lớn nhất. Họ sợ bị đánh giá về ngoại hình, về khả năng chơi thể thao, hoặc sợ bị dè bỉu vì dành thời gian tập thể dục thay vì ưu tiên dành thời gian cho con cái, gia đình hoặc công việc. 

Về ngoại hình, họ sợ đủ thứ! Theo điều tra, họ sợ mặt đỏ bừng và cơ thể ướt đẫm mồ hôi khi tập luyện; họ sợ thay đồ trước mặt người khác; họ sợ mặc quần áo thể thao bó sát; họ sợ mặc quần áo không đúng điệu; họ sợ “phô bày” cơ thể trước người lạ và bạn bè; họ sợ cơ thể không còn nữ tính khi tập thể thao, họ sợ cơ thể rung rinh, lúc lắc, tưng tưng khi thực hiện các động tác!


Và dù là phái đẹp nhưng đâu phải ai cũng có cơ thể như nhau. Có người là “đường cong”, có người là “đường thẳng” và cũng có người là “đường tròn”! Có người dáng đồng hồ cát, có người dáng trái lê và cũng có người dáng trái táo. Có người cao, có người thấp. Có người béo, có người gầy. Đặc biệt, trước khi đến với thể thao, cơ thể của họ đa phần không đẹp như các cô người mẫu trong các clip quảng cáo về tác dụng tập luyện thể thao.

Chính vì vậy, Sport England đã có một chương trình đột phá qua việc phát hành một quảng cáo mới cho chiến dịch This Girl Can, khuyến khích phụ nữ thách thức các giả định văn hóa về nữ tính đã ngăn cản họ tham gia vào thể thao. Quảng cáo sử dụng các trích đoạn từ bài thơ “Hiện tượng Phụ nữ” của Maya Angelou và lấy bối cảnh là “người thật việc thật” - những phụ nữ đời thường - đang tham gia tập luyện thể thao.


This Girl Can tập trung vào việc thay đổi cách suy nghĩ thông thường để phụ nữ thấy rằng việc tập thể dục không phải là vấn đề trông như thế nào, mà là vấn đề cảm thấy như thế nào, từ đó truyền cảm hứng cho phụ nữ - bất kể về ngoại hình và khả năng – tham gia vận động nhiều hơn. Sport England định hướng rằng việc gia tăng phụ nữ và trẻ em gái tham gia nhiều hơn vào thể thao không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính họ, mà còn cho gia đình họ và cho cả chiến lược hướng tới một quốc gia năng động hơn. 

Nói đến thể thao là người ta nói đến cái đẹp về thể chất, cái đẹp về hình thể, cái đẹp của sự khỏe mạnh. Vì vậy, khi muốn kêu gọi mọi người đến với thể thao, các quảng cáo đều tập trung vào nét đẹp hình thể này. Tuy nhiên, This Girl Can lại đi theo một lối khác khi tôn vinh những người phụ nữ tập thể dục "bất kể họ tập như thế nào, họ trông như thế nào hay thậm chí là họ ướt đẫm mồ hôi như thế nào" và thật sự là một clip quảng cáo vô cùng độc đáo và sáng tạo.


Cũng trong nghiên cứu của Sport England, tính riêng cho môn bơi lội và trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2014, đã có 455.300 phụ nữ ở Anh đã từ bỏ môn bơi lội do lo ngại về ngoại hình của họ trông như thế nào ở hồ bơi. Con số này nhiều gấp ba lần số đàn ông ngừng bơi trong cùng thời kỳ.

Khi đề cập đến sự việc này, The Telegraph đã giật tít “Body image worries make half a million women give up swimming” (tạm dịch: “Nỗi lo về hình ảnh cơ thể khiến nửa triệu phụ nữ từ bỏ bơi lội”). Trong tít báo này, chúng ta lưu ý đến cụm từ “body image”. Body image, tự cảm nhận ngoại hình cơ thể, là thuật ngữ dùng để chỉ sự nhận thức, đánh giá của một cá nhân nào đó về chính ngoại hình của mình và người đó tin tưởng rằng người khác cũng thấy mình như vậy. Trong nhiều trường hợp sự cảm nhận của một người về ngoại hình của mình khác rất nhiều so với thực tế, ví dụ như một phụ nữ có vóc dáng bình thường nhưng lại luôn nghĩ rằng bản thân quá béo. Sự rối loạn cảm nhận ngoại hình có thể dẫn đến việc tự đánh giá thấp bản thân, tránh xa các hoạt động cộng đồng, tụ tập đông người vì sợ bị đánh giá, trong đó các mặc cảm thừa cân, hiệu ứng sợ béo thường thấy rõ hơn ở phụ nữ.


Bơi lội là một bộ môn hết sức đặc biệt khi người tập phải “cởi đồ” để xuống nước. Vì vậy, tâm lý ngại ngùng của phụ nữ là điều tất nhiên. Các nhà thiết kế thời trang thì mày mò sáng tạo ra những bộ quần áo che dấu khuyết điểm của phụ nữ, trong khi đi bơi thì cứ để “da thịt” nó lộ ra! Vì vậy, phụ nữ thường lo ngại về ngoại hình khi đi bơi với những lý do như: không cảm thấy thoải mái khi đi bộ từ phòng thay đồ đến hồ bơi trong trang phục bơi; cảm thấy quá già / quá béo / quá gầy / quá đen / quá nhăn trong trang phục bơi; ngại mặc đồ bơi trước mặt bạn bè, người thân; không tìm được một bộ đồ bơi nào che dấu được khuyết điểm của cơ thể. 

Và với những phụ nữ ngại ngùng xuống nước vì những lý do trên, tôi không có lời khuyên nào hay hơn những hình ảnh của đoạn clip chỉ dài 1’30” của Sport England – This Girl Can.


Allegra Versace – nữ giám đốc của Versace, thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng thế giới – đã từng phát biểu: “Rất nhiều người sẽ nói ‘quyến rũ’ chỉ về những đường cong trên cơ thể. Nhưng đối với tôi, ‘quyến rũ’ là một người phụ nữ tràn đầy tự tin”. Đúng vậy, một phụ nữ đẹp là một phụ nữ tự tin, họ dám thách thức những phán xét đang kìm giữ họ; họ sẵn sàng làm những việc họ CẢM THẤY tốt và có ý nghĩa. 

Còn đối với riêng tôi, nhưng chắc cũng không khác lắm với những người đàn ông khác, những “bóng hồng” dưới nước luôn là những người đẹp!

Là phái đẹp, mỗi khi bạn tập thể thao, ngực bạn sẽ tưng tưng, mông bạn sẽ lúc lắc, bụng bạn sẽ rung rinh. Không sao cả. Hãy cứ rung rinh, hãy cứ tưng tưng, hãy cứ lúc lắc. Chủ yếu là bạn có vận động và bạn sẽ càng ngày càng đẹp.


Là phái đẹp, mỗi khi bạn xuống nước, da thịt bạn sẽ phơi trước nắng gió và trước … mọi người. Không sao cả. Hãy cứ tự nhiên như chỉ có “ta với nước”. Chủ yếu là bạn có xuống nước và bạn sẽ càng ngày càng đẹp.

Hãy cứ bơ đi mà bơi đi, các cô gái ạ!

Chung Tấn Phong