Pages

“Gót chân Asin” của người lớn khi tập bơi

Trong thần thoại Hy Lạp, Asin là nhân vật trung tâm và là chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy. Asin có một cơ thể không thể bị thương ngoại trừ gót chân của anh. Asin đã chết vì bị thương ở gót chân, từ đó có câu thành ngữ "gót chân Asin" thường dùng để nói về điểm yếu của mỗi người

Người lớn khi tập bơi cũng có gót chân Asin. Và không chỉ có một gót chân Asin, người lớn có tới 3 gót chân Asin khi tập bơi! Đó là khớp vai, khớp hông và khớp cổ chân. Đối với người lớn, cả 3 khớp này đều ít nhiều bị cứng và thiếu linh hoạt. Và tính linh hoạt của khớp này phụ thuộc vào cả cơ và khớp, không chỉ là khả năng của các cơ được kéo giãn trên khớp mà còn là mức độ di chuyển bao xa của khớp trong bao khớp. 

Bơi lội có một đặc điểm: phần lớn các di chuyển hiệu quả trong nước đều xuất phát từ 3 khớp này. Khi các khớp này bị cứng và thiếu linh hoạt, người bơi khó thể hiện được trọn vẹn kỹ thuật, động tác bơi thường ngắn, giật cục, thiếu lực và thiếu sự cân bằng. Khi các khớp này bị cứng và thiếu linh hoạt, động tác của người bơi nhìn cứ thấy “kẹt kẹt” như một cỗ máy lâu ngày không tra dầu mỡ, vận hành thiếu trơn tru và không chuyển động được hết biên độ cho phép. 

Về khớp vai, VĐV bơi lội cấp cao có mức độ linh hoạt đáng kinh ngạc. Chúng ta nhiều lần chứng kiến những VĐV bơi xuất sắc làm các động tác quay tay hoặc kéo giãn các nhóm cơ vai trước khi xuất phát thi đấu. Rất dẽo. Rất linh hoạt. Do đó xem họ thi đấu và bắt chước động tác quạt tay giống họ đôi khi là điều không tưởng. 

Hạn chế độ linh hoạt khớp vai tác động không tốt đến giai đoạn vào nước và “tì nước” của bơi tự do và bơi ngửa, đến động tác duỗi thẳng tay về trước trong bơi ếch, và đến động tác vung tay trên không và vào nước trong bơi bướm. Nói chung, những hạn chế ở khớp vai đa phần sẽ dẫn đến những hạn chế trong trong động tác “ôm nước” ở phía trước, từ đó dẫn đến mất phần lớn lực đẩy trong suốt phần còn lại phía sau của động tác tay.

Về khớp hông, khả năng gập và duỗi của hông là điều cần thiết để đập chân hiệu quả (đặc biệt ở các kiểu bơi trục dài, tức kiểu bơi tự do và bơi ngửa). Các cơ ảnh hưởng đến gập hông bao gồm cơ mông và cơ đùi sau. Các cơ ảnh hưởng đến duỗi hông bao gồm cơ thắt lưng, cơ chậu và cơ đùi trước. Nhiều anh chị lớn tuổi chỉ có thể đập chân từ đầu gối trở xuống, chỉ “gõ gõ” được phần cẳng chân khi bơi chân tự do chứ không thể đập chân từ hông là do khớp hông đa phần bị cứng, bị “khóa”. 

Về khớp cổ chân, lực đẩy từ động tác chân của VĐV bơi lội phụ thuộc rất nhiều vào độ mềm dẽo và linh hoạt của khớp cổ chân. Độ linh hoạt khớp cổ chân có ý nghĩa quan trọng đối với VĐV vì nó góp phần tạo ra một động tác đập chân có lực, giúp cải thiện sự cân bằng trong nước, cải thiện sức mạnh đạp tường trong quay vòng và sức mạnh đạp rời khỏi bục trong xuất phát. Khớp cổ chân thiếu linh hoạt sẽ dẫn động tác đạp chân kiểu “cán cuốc” trong bơi tự do, đạp chân kiểu “chọt chọt” trong bơi ngửa và đặc biệt là kiểu đạp chân “khều khều” trong bơi ếch!

Vậy vì sao cả 3 khớp này ở người lớn đều ít nhiều bị cứng và thiếu linh hoạt? Dù không phải là tất cả, nhưng phần lớn là do chúng ta bị ảnh hưởng từ tư thế ngồi thụ động trong thời gian dài ở bàn giấy. 

Hầu hết các công việc văn phòng hiện đại yêu cầu bạn phải giữ một tư thế tương đối tĩnh trong hầu hết thời gian trong ngày, điều này rất tốt khi bạn cần tập trung vào công việc và làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn là một người đam mê tập luyện, công việc văn phòng hiện đại có thể là hoạt động ảnh hưởng không tốt đến cơ hoặc khớp của bạn. Đây là một thực tế khiến bạn phải suy nghĩ: ngay cả khi bạn tập thể dục hầu như mỗi ngày, việc bị mắc kẹt ở một tư thế ít vận động trong nhiều giờ có thể phản lại ý muốn nâng cao sức khỏe của bạn, đặc biệt nếu bạn là người tập bơi. 


Nếu giữ ở cùng một tư thế trong một thời gian dài, các cơ có thể bị rút ngắn lại và mất khả năng kéo dài ra. Nếu một cơ trở nên căng cứng, không mềm dẽo thì nó có thể làm hạn chế chuyển động của các khớp mà cơ bắt chéo qua. 

Khi sử dụng máy tính trong lúc ngồi trên bàn làm việc, chúng ta có xu hướng thõng người một cách tự nhiên về phía trước, khiến các cơ xung quanh hông, cột sống ngực (phần lưng trên, kế bên bả vai) và vai bị rút ngắn lại; cơ ngực lớn và cơ ngực nhỏ - là nhóm cơ kiểm soát chuyển động của cánh tay trên thông qua khớp vai - bị căng cứng và làm hạn chế chuyển động của khớp vai. Giữ nguyên tư thế ngồi trong một thời gian dài cũng khiến cho cơ gấp hông (chạy dọc phía trước hông) bị căng và làm hạn chế chuyển động của khớp hông. 

Mặt khác, hầu hết các khớp và cơ cho phép chuyển động theo nhiều hướng. Tuy nhiên, nếu một cơ trở nên quá căng do bị giữ ở tư thế rút ngắn trong một thời gian dài, nó sẽ hạn chế các hướng di chuyển của khớp, làm cho khớp đó trở nên mất tính linh hoạt. 

Một điều cũng cần lưu ý là ngoài dân văn phòng có độ linh hoạt khớp bị ảnh hưởng do đặc điểm công việc thì độ mềm dẽo, linh hoạt khớp cũng sẽ giảm theo tuổi tác


Về mặt phương tiện tập luyện, để cải thiện độ mềm dẽo của các nhóm cơ, chúng ta dùng các bài tập kéo giãn (stretching), còn để cải thiện độ linh hoạt của các khớp, chúng ta dùng các bài tập linh hoạt khớp (mobility movements). Ngoài ra, bơi lội cũng là hoạt động giúp kéo giãn cơ bắp hiệu quả do đặc điểm cơ thể nằm thẳng ngang trong nước và các động tác bơi luôn có yếu tố “kéo căng, vươn dài”. 

Như vậy, ở đây chúng ta cần lưu ý đến 2 mặt:
  • Các hoạt động ngồi tĩnh trong thời gian lâu ảnh hưởng đến tư thế cơ thể và độ linh hoạt, mềm dẽo của các khớp, điều đó ảnh hưởng đến kỹ thuật bơi của người lớn. Vì vậy, họ cần bổ sung thêm các bài tập bổ trợ trên cạn như đã nêu để khắc phục điểm yếu về mặt cơ, khớp của mình, từ đó giúp kỹ thuật bơi dưới nước của mình dần trở nên hợp lý và hiệu quả hơn. 
  • Những người lớn có cơ, khớp bị cứng do ảnh hưởng công việc và tuổi tác có thể dùng bơi lội để “mềm hóa” những chỗ bị xơ cứng của mình. 

Nhiều người mới tập bơi thường chỉ chú ý đến việc tập sức mạnh. Họ tập chống đẩy và kéo dây thun trên cạn, rồi xuống nước đeo bàn quạt và chân vịt bơi rất nhiều vòng để mong cải thiện sức mạnh tay, chân. Họ nghĩ rằng tay chân mạnh lên thì họ bơi sẽ nhanh hơn và đỡ mệt hơn. Điều đó không sai nhưng thật sự chỉ hợp lý khi kỹ thuật bơi đã tương đối tốt. Nếu kỹ thuật chưa tốt thì dù có sức mạnh tốt, những nỗ lực của bạn cũng chỉ mang lại hiệu quả thấp. 

Kỹ thuật bơi tốt lại phụ thuộc vào biên độ khớp. Các khớp vai, khớp hông và khớp cổ chân có biên độ hoạt động tốt sẽ giúp cho người bơi có kỹ thuật bơi hợp lý và hiệu quả hơn. 

Tăng sức mạnh thì dễ đạt và dễ thấy. Cải thiện sự mềm dẽo và độ linh hoạt khớp thì không thể đạt “một sớm một chiều” và đòi hỏi sự kiên trì. Điều đó là không dễ dàng nhưng chắc chắn đáng để bạn nỗ lực rèn luyện vì hiệu quả lâu dài của nó. 

Asin chết vì cái gót chân của mình do không thể xóa đi điểm yếu đó.

Nhưng người bơi có thể khắc phục điểm yếu về cơ khớp của mình để những điểm yếu đó không trở thành “gót chân Asin”

Chung Tấn Phong