Pages

Hãy yên nghỉ nhé, “VUA ẾCH”

Tin kình ngư Nguyễn Hữu Việt đột ngột qua đời ở tuổi 34 thật sự là một cú sốc với làng bơi Việt Nam. 

Các báo đài ở Việt Nam đều đồng loạt đưa tin với niềm tiếc thương sâu sắc. Qua các bài báo đó, độc giả đã có dịp được nhìn lại thành tích lẫy lừng của Hữu Việt trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp qua các lần chinh chiến:

  • Tham dự 5 kỳ SEA Games (2003, 2005, 2007, 2009, 2011);
  • Tham dự 2 kỳ Olympic (2004 và 2008)
Với riêng cá nhân tôi, Nguyễn Hữu Việt là một tượng đài của Bơi lội Việt Nam và đã để lại một dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử bơi lội nước nhà. 


Như các bạn đã biết, Việt Nam đánh dấu sự trở lại đấu trường thể thao trong khu vực vào năm 1989 khi tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 15 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ròng rã hơn 10 năm sau đó, Bơi lội Việt Nam chỉ loay hoay ở vị trí thứ 7 đồng hạng với Lào và Campuchia khi không đạt được huy chương nào trong bảng tổng sắp. 

Mãi đến tận SEA Games 21 năm 2001, Bơi lội Việt Nam mới chính thức xếp thứ 7 (hơn Lào và Campuchia) khi giành được tấm huy chương bạc đầu tiên do công của VĐV Trần Xuân Hiền ở nội dung 100m ếch nam với thành tích 1.04.94. Lịch sử Bơi lội Việt Nam mở sang trang mới với một cái tên cần được ghi nhận trân trọng: TRẦN XUÂN HIỀN

Từ bước ngoặc đó, Bơi lội Việt Nam tiếp tục giành được 1 HCB – 3 HCĐ tại SEA Games 22 năm 2003 tại sân nhà với công của VĐV Trương Ngọc Tuấn (HCB 200N), Nguyễn Hữu Việt (HCĐ 100E), Võ Thị Thanh Vy (HCĐ 400HH) và đội tuyển bơi nữ (HCĐ 4x100HH). Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, kỳ SEA Games 2003 đó đã giới thiệu một tài năng trẻ mới 15 tuổi mà tên tuổi sau này không chỉ rạng danh ở Việt Nam mà cả ở đấu trường Đông Nam Á: NGUYỄN HỮU VIỆT.


Nguyễn Hữu Việt đã chính thức lên ngôi vua cự ly 100m ếch ở Đông Nam Á tại kỳ SEA Games 23 năm 2005 và trị vì ngôi vương trong 6 năm liên tục (3 kỳ SEA Games liên tiếp). Đặc biệt, tại SEA Games 25 năm 2009 tại Lào, Việt không chỉ bảo vệ thành công ngôi vương của mình mà còn phá luôn kỷ lục SEA Games với thành tích 1.01.60 (kỷ lục cũ 1.02.16 thuộc về VĐV Wong Fu Kang – Malaysia – lập tại SEA Games 21 năm 2001).

Cần phải nói thêm rằng: kỷ lục 1.01.60 của Nguyễn Hữu Việt là một kỷ lục giá trị trong cả Châu lục, khu vực và Việt Nam: 
  • Tại Châu lục: Trong cùng năm 2009, thành tích HCV nội dung 100m ếch nam tại Giải Bơi Vô địch Châu Á tổ chức vào cuối tháng 11/2009 tại Phật Sơn – Trung Quốc (trước SEA Games khoảng 2 tuần) thuộc về VĐV Wang Shuai (Trung Quốc) là 1.01.26 (nhanh hơn 34% giây so với thành tích của Việt); còn thành tích HCB của giải này cũng thuộc về một VĐV Trung Quốc khác - Zhang Guoying – là 1.01.79. Như vậy, nếu Việt tham gia Giải Bơi Vô địch Châu Á năm 2009 thì anh đã đạt HCB của giải!
  • Tại khu vực: Nguyễn Hữu Việt là VĐV bơi đầu tiên của Đông Nam Á vượt được ngưỡng 1’02” ở nội dung 100m ếch nam. Kỷ lục 1.01.60 của Việt cũng tồn tại đến 10 năm, đến SEA Games 30 năm 2019 thì VĐV James Deiparine (Philippines) mới phá và lập kỷ lục mới là 1.01.46.
  • Tại Việt Nam: kỷ lục 1.01.60 của Việt tồn tại đến tận ngày nay, chưa một VĐV nào phá nổi!
Với thành tích “không tiền khoáng hậu” tại thời điểm đó, Nguyễn Hữu Việt đã làm được một việc rất có giá trị khác: Giúp Bơi lội Việt Nam xoá bỏ tự ti, cởi bỏ mặc cảm và tự tin cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc bơi lội trong khu vực


Từ thành tích của Việt, các nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines bắt đầu phải dè chừng Việt Nam và có cái nhìn khác về Bơi lội Việt Nam. 

Và chẳng phải đợi lâu, chỉ ngay trong các kỳ SEA Games liền kề sau đó, hàng loại cái tên như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên, Lâm Quang Nhật, Nguyễn Huy Hoàng … đã làm rạng danh Bơi lội Việt Nam, đưa Việt Nam lên hàng top 3 về Bơi lội trong khu vực. 

Từ chỉ biết ngước mắt nhìn lên, Bơi lội VN đã đường hoàng sánh vai cùng các bạn Đông Nam Á, để rồi có tiếp một Ánh Viên chen chân vào hàng ngũ Châu lục và Thế giới. 

Và thế đó, …
… trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Hữu Việt đã đi những bước thật dài và để lại những dấu ấn thật đáng trân trọng!

Với sự ra đi của em, không chỉ Bơi lội Việt Nam mà Bơi lội Đông Nam Á cũng đã mất một VĐV ưu tú!

Nhớ thương về em. Tự hào về em!

Hãy yên nghỉ nhé, “VUA ẾCH”.

Chung Tấn Phong