Pages

Kỹ thuật bơi – “phù hợp với dáng em”


Nhiều bạn xem clip kỹ thuật của những VĐV bơi nổi tiếng và lắc đầu lè lưỡi: “biết bao giờ mình mới bơi được như vậy?”. Ủa, bạn đâu cần bơi giống như vậy! Kỹ thuật của họ là “độc nhất vô nhị”, còn kỹ thuật của bạn là “không có người thứ hai”! Bạn không cần phải tự ti hoặc nản chí về kỹ thuật của mình. 

Chắc bạn đã từng xem chương trình dạy nấu ăn “Yan can cook”. Với câu nói nổi tiếng “Yan nấu ăn được thì bạn cũng có thể nấu ăn được”, Martin Yan đã chinh phục hàng triệu trái tim người hâm mộ trên khắp thế giới. Nhưng cái đó là nấu ăn nha bạn. Nấu ăn thì nếu có thành phần và công thức nấu, thì đúng là bạn có thể nấu gần giống với đầu bếp. Ở đây tôi chỉ dám nói là “gần giống” thôi vì nấu ăn còn phụ thuộc vào “nêm nếm”, thêm một chút cái này, bớt một chút cái kia là đã có sự khác biệt rồi. Nhưng trong bơi lội, Michael Phelps không thể nói "nếu Phelps bơi được thì bạn cũng thể bơi giống Phelps" vì bắt chước trong lĩnh vực thể chất là rất khó, thậm chí có thể nói là “không tưởng”. Nếu bạn cố bơi giống Phelps thì bạn chỉ có fail! (thất bại). Đó không chỉ là do bạn không thể bắt chước mà còn là nếu bạn cố bắt chước thì điều đó chỉ có hại cho bạn mà thôi. Đơn giản vì kỹ thuật của Phelps không phù hợp với cơ thể bạn. Phelps cao 1,93m, còn bạn cao 1,39m thì sao bơi giống!


Như vậy, dù yêu cầu cơ bản về kỹ thuật là giống nhau nhưng cách bơi của mỗi người là độc nhất. Trong huấn luyện VĐV bơi chuyên nghiệp, HLV chỉ nhìn động tác tay từ xa là biết VĐV nào, dù dưới nước có hàng chục VĐV đang bơi. 

Vậy điều gì ảnh hưởng đến hình dáng bên ngoài của kỹ thuật? Trước tiên, hình dáng bên ngoài của kỹ thuật phụ thuộc vào cấu trúc cơ thể của bạn. Bạn cao hay thấp, trọng lượng bạn nặng hay nhẹ, tay chân bạn dài hay ngắn, cơ bắp của bạn mềm hay cứng, khớp vai của bạn linh hoạt hay không … đều sẽ ảnh hưởng đến kỹ thuật thể hiện. 


Nhưng yếu tố ảnh hưởng đến kỹ thuật thể hiện nhiều nhất là “thời gian”. Thời gian, cần hiểu đúng, là thời gian bạn ở dưới nước. Dân chuyên môn thường gọi là “thâm niên tập luyện”. Lúc mới tập, bạn biết kỹ thuật phải thực hiện như vậy nhưng bạn thể hiện “không ra”. Tuy nhiên, bạn càng tập lâu thì động tác bơi càng tiến dần đến sự hoàn hảo mà bạn mong muốn. Bạn cần biết rằng động tác bơi cũng tuân theo quy luật phát triển, từ vụng về, chậm chạp đến khéo léo, tinh xảo khi các mối nối thần kinh – cơ ngày càng hoàn thiện. Nói cách khác, động tác bơi của bạn sẽ ngày càng đẹp lên, càng hiệu quả hơn nếu bạn chuyên cần luyện tập và có thời gian đủ lâu ở dưới nước. Nó là một hành trình. Đâu phải muốn bơi đúng, bơi đẹp là đạt được ngay đâu. Khi chúng ta bơi chưa được, bơi chưa đúng, bơi chưa đẹp là do chúng ta chưa đủ mạnh, ở dưới nước chưa đủ lâu, khớp chưa đủ linh hoạt. Thời gian chính là bạn đồng hành giúp bạn cải thiện kỹ thuật của mình.


Vậy thì, như bạn thấy đó, làm sao bạn có thể bắt chước đơn thuần một động tác kỹ thuật của một VĐV nổi tiếng nào đó.
  • Bạn không có thể hình giống họ.
  • Bạn không bơi hàng ngàn cây số dưới nước như họ mỗi năm trong nhiều năm.
  • Bạn không có HLV đi trên bờ le hét chỉnh sửa kỹ thuật hàng ngày cho bạn.
  • Bạn không có máy quay phân tích kỹ thuật ở dưới nước.
  • Bạn không thi đấu nhiều như họ để học hỏi, rút kinh nghiệm về kỹ thuật sau từng giải. 
Và điều rõ ràng nhất là: bạn không cần có kỹ thuật siêu đẳng như họ. Họ bơi để thi đấu, để giành chiến thắng, để phá kỷ lục nên họ phải chắt chiu từng phần trăm giây thông qua từng yếu lĩnh nhỏ nhất của kỹ thuật. Còn bạn bơi để khỏe, để thư giãn, để giải trí nên kỹ thuật của bạn chỉ cần đơn giản và đừng tạo nhiều lực cản là được. 


Và điều cuối cùng ít người biết. Kỹ thuật, suy cho cùng, là vấn đề hiệu quả và phù hợp. Xấu đẹp không quan trọng, miễn là hiệu quả và phù hợp với cơ thể bạn. Cái gì tốt cho bạn chưa chắc đã tốt cho tôi. Có những VĐV trở thành huyền thoại và nổi tiếng vì “bơi đẹp” (như Alexander Popov của Nga), nhưng cũng có những VĐV trở thành huyền thoại và nổi tiếng vì “bơi xấu” (như Janet Evans của Mỹ). Cả 2 hình tượng này như “nước với lửa” khi so sánh với nhau. Alexander Popov thì cao to (chiều cao 1,97m), kỹ thuật theo kiểu “bơi như cá” và chuyên về nội dung bơi tốc độ. Janet Evans thì nhỏ bé (chiều cao 1,65m), kỹ thuật theo kiểu “bơi như cối xay gió” và chuyên về nội dung bơi đường dài. 

Mặc dù cơ thể nhỏ nhắn và phong cách bơi “rất dị”, nhưng Janet Evans hoàn toàn thống trị nội dung bơi đường dài của nữ. Năm 1987, chỉ mới 15 tuổi, Evans đã phá kỷ lục thế giới ở các nội dung bơi tự do 400m, 800m 1500m. Tại Thế vận hội Seoul năm 1988, Evans thống trị mọi nội dung mà cô tham gia, giành chiến thắng ở nội dung 400m HH, 400m tự do và 800m tự do. Cô đã phá kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung 400m tự do và về đích trước đối thủ gần nhất gần ba mét ở nội dung 800m tự do.

Janet Evans (Seoul 1988 Olympics)

Khi xem màn trình diễn phá kỷ lục thế giới của cô ở nội dung 400m tự do, nhiều người phải thốt lên rằng "động tác bơi của cô ấy thật kinh khủng". Đúng, kỹ thuật của Janet Evans là không chính thống – và rất xấu. Nhưng nó rõ ràng là hiệu quả. Và có một chuyên gia đã nhận định rằng, nếu một vận động viên bơi lội lập kỷ lục thế giới có "kỹ thuật kém" theo lý thuyết phổ biến, thì lý thuyết đó có vấn đề, chứ không phải kỹ thuật của Janet Evans có vấn đề!

Vậy thì, bạn cần gì phải tự ti. Bạn cứ xem clip kỹ thuật bơi của VĐV nổi tiếng để lấy động lực tập luyện hoặc có mục tiêu phấn đấu, nhưng không cần tự vấn lòng mình là biết đến bao giờ mình mới làm được như vậy. Nếu kỹ thuật bơi của bạn còn lóng ngóng, vụng về thì bạn cứ tăng cường tập luyện thêm, không ai đánh giá gì về kỹ thuật của bạn nếu bạn là “lính mới”. Còn nếu ai đó nói kỹ thuật bơi của bạn xấu thì bạn hãy nói kỹ thuật đó “phù hợp với dáng em”! 


Bạn cứ việc bơi, đừng sợ người nào nhòm ngó đánh giá vì “cuộc đời cho phép”! 

Và tôi chắc rằng, chưa chắc bạn bơi đã xấu bằng Janet Evans!

Chung Tấn Phong