Pages

Mỗi kiểu bơi có một “thần thái” riêng


Bơi lội có 4 kiểu bơi cơ bản: bướm, ngửa, ếch, sải. Do đặc điểm về mặt kỹ thuật, mỗi kiểu bơi sử dụng các nhóm cơ khác nhau và thể hiện hình thái chuyển động dưới nước khác nhau. Nắm bắt được “thần thái” riêng của từng kiểu bơi sẽ là cái đích để người học hướng tới vẻ đẹp thuần chủng của từng kiểu và “bơi kiểu nào ra kiểu đó”. 

Bơi sải:


Bơi sải là kiểu bơi nhanh nhất trong 4 kiểu bơi và cũng là kiểu bơi được sử dụng rộng rãi đối với người tập bơi thường xuyên. Bơi sải cho phép người bơi “biến tấu” ít nhiều về hình thức thể hiện trên nền tảng nguyên lý kỹ thuật chung. Bạn chỉ cần thở nghiêng đúng cách, còn việc bạn thở 1 bên hay 2 bên là tùy bạn. Bạn chỉ cần trả tay về trước ngay trước đầu, còn việc bạn vung thẳng hay gập khuỷu là tùy bạn. Bạn chỉ cần đập chân tương đối thẳng, còn việc đập theo nhịp 2 chân hay 6 chân là tùy bạn. Bạn cần duy trì tư thế nằm ngang trong nước, còn việc bạn có xoay thân hay không là tùy bạn. Dĩ nhiên, mọi sự thay đổi đều ít nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả của động tác nhưng nhìn chung là chấp nhận được với một người bơi bình thường. Chính vì vậy, bơi sải được so sánh với nhân viên văn phòng


Khi đi làm, nhân viên văn phòng có thể ăn mặc theo phong cách riêng nhưng phải đảm bảo sự chỉnh chu, nghiêm túc, lịch thiệp. Nếu mặc theo đồng phục của công ty, họ có thể “biến tấu” về phụ kiện nhưng không được mặc kiểu cách khác. Tương tự như vậy, bơi sải vừa có tính nghiêm chặt vừa có tính linh hoạt. Nếu nghiêm chặt quá, kiểu bơi của bạn sẽ bị gò bó dẫn đến động tác mất tự nhiên. Nếu linh hoạt quá, kiểu bơi của bạn sẽ bị biến dạng dẫn đến động tác mất hiệu quả. “Thần thái” của kiểu bơi này là sự đơn giản, không cầu kỳ và “dài”: tay duỗi dài, chân đập dài, thân vươn dài (long arm, long leg, long body). Một người bơi sải mà tay đẩy nước không dài hết về sau, tay vào nước không vươn dài về trước, đầu gối gập quá nhiều khi đá chân, mũi bàn chân không duỗi dài mà gập như “cán cuốc”, lưng bị võng làm thân người “thun ngắn” lại thì người đó sẽ không đạt đến “thần thái” cần thiết của kiểu bơi sải. Nhân viên văn phòng ăn mặc luộm thuộm, kiểu cách thì không ra nhân viên văn phòng. Người bơi sải bơi “thiếu trước hụt sau”, tay chân “cụt ngủn” thì không ra bơi sải. 

Bơi ếch:


Bơi ếch là kiểu bơi chậm nhất trong bốn kiểu bơi và là “ông nội” của các kiểu bơi khác vì có nguồn gốc từ thời đồ đá! Bơi ếch cũng là kiểu bơi được nhiều người sử dụng do động tác thở phía trước dễ thực hiện hơn động tác thở nghiêng, tay rút về trước ở dưới nước nhẹ nhàng hơn so với rút tay trên không, đồng thời người bơi có thể bơi thoải mái ở tốc độ chậm. Ở đây, chúng ta không đề cập đến bơi ếch ở cấp độ thi đấu vì kiểu bơi ếch ở cấp độ đó là một kiểu bơi ếch đặc biệt, đòi hỏi rất lớn về sức bền và sức mạnh như các kiểu bơi khác. Ở cấp độ bơi phổ thông, chúng ta thấy có một số phụ nữ không thích bị ướt tóc nên họ bơi ếch với phiên bản gọi là kiểu bơi bà bà (grandma stroke, hay còn gọi là kiểu bơi ếch đầu cao), và khá nhiều người bơi ếch hết sức chậm rãi, từ tốn với phiên bản gọi là kiểu bơi dưỡng sinh. Chính vì vậy, bơi ếch được so sánh với bậc cao niên, không chỉ vì nguồn gốc lâu đời như một người cao tuổi mà còn vì đặc điểm bơi có những nét tương đồng với phong cách người già. 


Bậc cao niên là những người đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, không hấp tấp. Họ làm gì cũng ở mức vừa phải, cốt sao giữ cho hơi thở được đều đặn. Tương tự như vậy, bơi ếch phổ thông cũng có tính nhẹ nhàng, đều đặn và thư giãn. “Thần thái” của kiểu bơi này là sự trôi chảy, mượt mà và lướt êm. Một người bơi ếch mà động tác “giật cục” mỗi khi rút chân vào, quạt tay quá dài về phía sau làm cho động tác bị “khựng lại” và mất nhịp, hấp tấp quạt tay khi cơ thể chưa kịp lướt về trước thì người đó sẽ không đạt đến “thần thái” cần thiết của kiểu bơi ếch. Bậc cao niên bước hấp tấp dễ bị té; người bơi ếch thực hiện động tác hấp tấp dễ bị rối. 

Bơi ngửa:


Bơi ngửa là kiểu bơi duy nhất trong 4 kiểu bơi được bơi trong tư thế nằm ngửa. Bơi ngửa có thể được xem là kiểu bơi “lật ngược” của kiểu bơi sải với cách quạt tay và đập chân theo kiểu luân phiên như bơi sải. Điểm khác biệt của kiểu bơi ngửa so với kiểu bơi sải là bơi ngửa không cho phép người bơi có “biến tấu”. Mọi động tác trong bơi ngửa đều phải theo khuôn phép quy định. Tay vung thẳng cứng là phải thẳng cứng, không được phép vung cong tay. Đầu giữ yên là phải giữ yên, không được quay qua quay lại. Mắt nhìn thẳng lên trời là phải nhìn thẳng lên trời, không được “liếc ngang, liếc dọc”. Chân đập thẳng là phải đập thẳng, không được phép rút đầu gối lên khỏi mặt nước. Chính vì vậy, bơi ngửa được so sánh với người mẫu.


Người mẫu là những người được rèn luyện cách đi trên sàn catwalk rất nghiêm chặt: đầu không được cúi gằm xuống đất, miệng không được cười, mắt nhìn thẳng về phía trước, người đi thẳng cao, bàn chân này đặt trước bàn chân kia với những sải chân dài. Tương tự như vậy, bơi ngửa cũng phải đạt được những khuôn thước như người mẫu về cách bơi, về đầu, cổ, thân, mắt, tay, chân. Người mẫu có bài tập đặt quyển sách trên đầu để đi sao cho đầu giữ yên, cố định. Người bơi ngửa cũng có bài tập tương tự khi đặt chai nước hoặc cái cốc lên trán để bơi sao cho đầu không được nghiêng lắc. “Thần thái” của kiểu bơi này là sự thẳng cứng: đầu thẳng cứng, tay thẳng cứng, người thẳng cứng, chân thẳng cứng (nhưng cổ chân mềm!). Một người bơi ngửa mà đầu lắc qua lắc lại, mắt nhìn xuống chân (không nhìn lên trời), chân đập như đạp xe với đầu gối nổi cao trong nước, tay vung “mềm oặt” thì người đó sẽ không đạt đến “thần thái” cần thiết của kiểu bơi ngửa. Người mẫu đi quá “ẻo lả” sẽ không giống người mẫu. Người bơi ngửa bơi quá “mềm mại” sẽ không giống bơi ngửa. 

Bơi bướm:


Bơi bướm là kiểu bơi trông “hoành tráng” nhất trong bốn kiểu bơi và cũng là kiểu bơi khó tập nhất. Bơi bướm khó là do chuyển động uốn sóng thân khá bất thường đối với người thường! Đó là chưa kể sự phối hợp toàn bộ các cử động riêng lẻ (đầu, thân, chân, tay) cũng không hề đơn giản. Có thể nói, bơi bướm là kiểu bơi có kỹ thuật rất cao cấp và khó làm chủ ngay cả đối với những VĐV bơi chuyên nghiệp. Có một điều ít người biết là thuở ban đầu, bơi bướm là kiểu bơi “thoát thai” từ kiểu bơi ếch, do một số VĐV cố gắng đưa tay về trước trên mặt nước trong khi bơi ếch để giảm bớt lực cản trong nước. Với một động tác tạo cảm giác như “bay” trên mặt nước, bơi bướm trông rất mạnh mẽ và hùng dũng. Chính vì vậy, bơi bướm được so sánh với một rocker (người chơi nhạc rock hoặc hát nhạc rock).


Một rocker thường có phong cách trình diễn sôi động, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng. Họ trình diễn rất “bốc lửa” trên một nền nhạc với nhịp điệu nhanh và mạnh. Giọng hát của họ cũng rất đặc trưng: khàn khàn, đôi khi “gầm gừ”! Tương tự như vậy, bơi bướm cũng thể hiện một sự năng động và tràn đầy sức mạnh. Tuy nhiên, bơi bướm trông mạnh mẽ nhưng lại hết sức tinh tế, trông tràn đầy sức mạnh nhưng lại không cục mịch. Sự tinh tế đó thể hiện qua động tác “bay” của bơi bướm, đó là động tác bay về trước, chứ không phải bay lên trời! Bướm bay “là là” mặt nước mới đúng, bay cao quá lại giống chuồn chuồn! “Thần thái” của kiểu bơi này là sự dũng mãnh qua động tác bay và sự mềm mại, uyển chuyển của động tác uốn sóng thân. Một người bơi bướm mà “ngóc đầu” lên quá cao, sóng thân bị “ngắt quãng” do không truyền được lực từ hông xuống cổ chân; phối hợp tay, chân, đầu, cổ không nhịp nhàng nên động tác bị “giật cục”, thiếu sức mạnh nên động tác “bay” không rõ thì người đó sẽ không đạt đến “thần thái” cần thiết của kiểu bơi bướm. Rocker trình diễn mà không làm “bốc cháy” sân khấu là thất bại. Người bơi bướm mà không thể hiện sự dũng mãnh uyển chuyển thì người nhìn có thể thấy “con gì khác” chứ không phải “con bướm” nữa!


Tóm lại:

Để đạt được “thần thái” của từng kiểu bơi là việc không đơn giản. Bạn phải luyện tập nhiều. 

Nhưng hướng đến việc đạt đúng “thần thái” của từng kiểu là mục tiêu cần phấn đấu.

Vì chỉ khi đạt đúng “thần thái” của từng kiểu bơi, bạn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tinh túy của bơi lội và mới phát triển được hết các nhóm cơ đặc trưng của từng kiểu bơi.

Chung Tấn Phong