Pages

Động tác đạp tường trong bơi lội: đơn giản nhưng vô cùng lợi hại

Tôi quan sát rất nhiều lần các suất bơi tự do ở hồ bơi và phát hiện rằng: rất ít người thực hiện tốt động tác đạp tường. Và có lẽ, cũng rất ít người xem trọng động tác đạp tường.

Động tác đạp tường, thuật ngữ chuyên môn là “push-off”, là một động tác tưởng chừng đơn giản và ít có ý nghĩa nhưng thực chất lại là một “vũ khí lợi hại” của VĐV bơi cấp cao. Ở đây, chúng ta khoan bàn tới động tác quay vòng – một kỹ thuật có gắn liền với động tác đạp tường – mà chỉ nói riêng về động tác đạp tường mà thôi. 

Ít ai biết rằng tốc độ bơi không thể sánh với tốc độ khi đạp tường! Động tác đạp tường tạo ra tốc độ cao thứ 2 trong bất kỳ phần nào của cuộc thi bơi (~ 3 m/s). Tốc độ cực đại cao nhất của cuộc thi bơi là tốc độ khi nhảy rời khỏi bục (~ 6 m/s). 

Và cũng ít người chú ý rằng một động tác đạp tường tốt có thể giúp bạn bơi ít tay hơn và tốn ít thời gian hơn khi bơi từ đầu hồ này sang đầu hồ kia. Một động tác đạp tường bình thường của dân chuyên nghiệp thường giúp họ trồi lên mặt nước ở vạch 10m hoặc thậm chí ở vạch 15m, vì vậy họ chỉ bơi thực sự là 35m hoặc 40m trong cự ly 50m. Ở những cự ly càng dài, sự lợi hại của động tác đạp tường càng tăng cao cùng với sự tăng lên của số lần quay vòng của cự ly. Nhiều VĐV giành chiến thắng ở các cự ly dài nhờ đạp tường, mặc dù tốc độ trên đường bơi của họ chỉ tương đương với VĐV khác!

Động tác đạp tường trong bơi lội là sự kết hợp nhuần nhuyễn của 2 kỹ thuật riêng biệt: kỹ thuật đạp tường (push-off) và kỹ thuật trồi lên mặt nước để vào động tác bơi (breakout). 

Về đạp tường (push-off): bạn cần lưu ý 2 điểm quan trọng nhất: độ sâu cách mặt nước và tư thế thuôn dòng khi lướt nước. 

  • Trong bơi lội, sự di chuyển của VĐV sẽ gây ra sự xáo động ở mặt nước và hình thành nên lực cản sóng. Barry Bixler, một kỹ sư/nhà vật lý nghiên cứu động lực học chất lỏng, đã phát hiện rằng mức xáo động ở độ sâu 0,6 mét dưới bề mặt nước giảm từ 5 đến 7% so với ở mức 0,2 mét dưới bề mặt, do đó một động tác đạp tường có độ sâu 0.6 mét dưới mặt nước hiệu quả hơn 20% so với động tác đạp tường có độ sâu 0.2 mét dưới mặt nước. Vì vậy, các bạn hãy đạp tường ở dưới mặt nước, không phải trên mặt nước.
  • Một tư thế thuôn dòng tốt sẽ làm giảm lực cản và tối đa hóa tốc độ nhận được từ cú đạp chân mạnh mẽ ra khỏi tường. Như đã nói ở trên, đây sẽ là tốc độ nhanh nhất mà bạn đạt được trong suốt chiều dài của bể bơi (trừ khi nhảy chúi), vì vậy tốt nhất bạn nên cố gắng duy trì tốc độ đó càng lâu càng tốt trước khi tốc độ giảm để bắt đầu bơi. Để duy trì tốt tốc độ khi đạp tường, câu thần chú sẽ là "thuôn dòng, thuôn dòng, thuôn dòng" (streamline, streamline, streamline). Đó là lời khuyên của cựu VĐV bơi lội Olympic John Moffett. Chỉ cần bạn hơi ngẩng đầu lên một chút trong lúc đang lướt ra khi đạp tường thì tốc độ lướt của bạn sẽ bị khựng lại ĐỘT NGỘT do tư thế mất sự thẳng hàng.

Kỹ thuật đạp tường bao gồm 4 bước thực hiện liên tục như sau:
Bước 1: Đặt 2 bàn chân của bạn chắc chắn trên thành bể bơi với đầu gối gập. Cố gắng giữ cơ thể hoàn toàn ở dưới nước. Nhiều người bơi nhắm vào việc đặt chân lên chữ "T" ở cuối vạch trong các làn bơi.
Bước 2: Đặt một bàn tay lên trên bàn tay kia và kéo ngón cái của bàn tay trên vòng xuống bàn tay dưới.
Bước 3: Duỗi hai bàn tay sát nhau lên trên đầu và rúc đầu xuống dưới cánh tay. Ép chặt hai cánh tay vào tai và hướng hai bàn tay về phía trước. Ép hai bả vai vào nhau.
Bước 4: Bật mạnh ra khỏi tường, duỗi thẳng chân và giữ mũi chân duỗi thẳng. Duy trì động tác lướt thuôn dòng này dưới mặt nước cho đến khi bạn bắt đầu giảm tốc độ và sau đó bắt đầu vào động tác uốn sóng bướm (nếu bạn có thể) hoặc đập chân sải. Theo trang web Feel For The Water, động tác lướt của bạn phải dài khoảng 5 mét nếu bạn làm đúng.


Về trồi lên mặt nước (breakout): breakout là quá trình chuyển từ động tác đập chân dưới mặt nước vào động tác bơi trên mặt nước. Điều quan trọng là đảm bảo tốc độ được truyền từ đạp tường vào động tác tay đầu tiên. Để thực hiện tốt kỹ thuật này, cần lưu ý 2 điểm:
  • Sau khi đã vào động tác đập chân, người bơi kéo 1 tay từ trước ra sau ngay từ khi còn chìm dưới nước để trồi lên mặt nước trong tư thế “tay trước tay sau”
  • Không thở trong động tác tay đầu tiên để không bị “khựng” tốc độ
Qua quan sát, tôi thấy người bơi phong trào thường phạm những lỗi sau khi đạp tường:
  • Chỉ đặt được một bàn chân lên tường nên lực đạp yếu
  • Đạp quá gần mặt nước để trồi lên ngay, không có động tác lướt
  • Đạp quá sâu nên phải trồi lên mặt nước gần như “dựng đứng” gây cản nước nhiều
  • Nâng đầu quá sớm khi đang lướt thuôn dòng ra khỏi tường nên tốc độ lướt đột ngột bị khựng lại
  • Không nắm được kỹ thuật breakout nên không “bắt” được tốc độ khi trồi lên mặt nước
Để thực hiện tốt động tác đạp tường, người bơi phải có 4 “cảm giác” sau:
  • Cảm giác độ sâu khi đạp tường (độ sâu bao nhiêu thì vừa)
  • Cảm giác được tính thuôn dòng khi lướt (cơ thể thẳng ngang, “nhọn nhất” từ trên xuống dưới)
  • Cảm giác được tốc độ khi lướt (biết được khi nào tốc độ giảm để bắt đầu thực hiện động tác đập chân để “giữ tốc độ”)
  • Cảm giác được độ sâu cách mặt nước để thực hiện động tác quạt tay đầu tiên trồi lên mặt nước
Vì vậy, người nào thực hiện được tốt động tác đạp tường và bắt nhịp vào tốc độ bơi tốt thì người đó đã đạt đến mức độ “cảm giác nước” tuyệt vời rồi. 


Tóm lại:
Như các bạn đã thấy, chỉ một động tác đạp tường đơn giản đã có những bước thực hiện không giản đơn tí nào. Trong suốt sự nghiệp của mình, những VĐV bơi lội cấp cao thực hiện động tác đơn giản này hàng vạn lần để có thể tạo ra những lợi thế cho mình trong cuộc chiến với những đối thủ ngang tài ngang sức. 

Đối với người bơi phong trào, nếu không thực hiện được đầy đủ các bước trên, bạn vẫn phải đảm bảo được 3 yếu tố: đạp tường chắc, mạnh bằng hai chân – đạp sâu dưới mặt nước một chút – giữ tư thế thuôn dòng nhất có thể trong khi lướt. Mục tiêu là phải đạp khỏi tường ít nhất 5m mới bắt đầu quạt tay, còn việc bạn có thể uốn sóng bướm sau đó hay sử dụng được thêm kỹ thuật breakout thì … từ từ tính cũng được. 

Trong phim “The Karate Kid”, cậu bé được sư phụ (diễn viên Thành Long) dạy võ chỉ bằng những động tác cơ bản với chiếc áo khoác “mặc vào, cởi ra, treo lên, tháo xuống” để cậu bé từng bước “ngộ” được các thế võ phức tạp. 


Bơi lội cũng vậy. Hãy đi từng bước cơ bản nhất. Đừng xem và cố bắt chước những động tác “lung linh” của các cao thủ để rồi thất bại ngay từ những động tác cơ bản nhất, nền tảng nhất. 

Nhiều bạn đạp tường chưa vững nhưng đã cố tập động tác quay vòng lộn (flip turn) để rồi quay vòng cũng không xong mà đạp tường cũng không ra …động tác!

Vì vậy, tôi luôn nhắc các bạn câu thần chú trong bơi lội: CHẬM mà CHẮC

Chung Tấn Phong